Dịch bệnh bạch hầu bùng phát: Các dấu hiệu nhận biết, triệu chứng và biện pháp khống chế
Với tình hình thêm nhiều ổ dịch bạch hầu mới bùng phát tại tỉnh Đắk Nông, Bộ Y tế đã cung cấp nhiều thông tin về các dấu hiệu nhận biết, triệu chứng và biện pháp khống chế bệnh nhằm giúp người dân phòng tránh dịch lây lan.
Cho tới thời điểm hiện tại đã có 12 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 4 ca phát hiện tại huyện Krông Nô đã được điều trị; 5 ca ở xã Quảng Hòa (trong đó có 1 ca tử vong là bệnh nhi nữ 9 tuổi) và 3 ca ở ổ dịch mới tại xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong.
Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã bàn giao 10.000 liều vắc xin phòng, chống bệnh bạch hầu cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông. Tiêm phòng cho nhóm đối tượng từ 7 tuổi đến dưới 40 tuổi và tiêm vét vắc-xin cho nhóm đối tượng thuộc diện tiêm chủng.
Bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu trở lại, nguy cơ bùng phát và gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt với nhóm đối tượng là trẻ em.
Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong của bệnh này khoảng 5-10%.
Để kịp thời phát hiện bệnh, người dân cần nắm rõ các dấu hiệu bệnh bạch hầu dưới đây:
1. Vi khuẩn gây bệnh ở mũi trước: Bệnh nhân có triệu chứng:
- Sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu.
- Khi khám có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi.
- Đây là thể bệnh nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
2. Vi khuẩn gây bệnh ở hầu họng và amidan: Bệnh nhân có triệu chứng:
- Mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ.
- Sau 2-3 ngày, sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng.
- Đây là thể bệnh mà các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân.
- Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò.
- Những trường hợp nhiễm độc nặng, bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê.
- Các bệnh nhân này nếu không được điều trị tích cực có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày.
3. Vi khuẩn gây bệnh ở thanh quản: Bệnh nhân có triệu chứng:
- Sốt, khàn giọng, ho ông ổng.
- Khi khám, bác sĩ có thể thấy các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được chữa kịp thời, các giả mạc này có thể gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.
- Đây là thể bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm.
4. Vi khuẩn gây bệnh ở các vị trí khác:
- Thường rất hiếm gặp và nhẹ, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.
Nguồn: Cafef
Latest Thailand News
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.