Vụ án Hồ Duy Hải: Điều tra viên thừa nhận ‘có sơ suất’ khi điều tra, khám nghiệm hiện trường
Tại phiên xét xử giám đốc thẩm, điều tra viên vụ án Hồ Duy Hải thừa nhận có sơ suất trong khám nghiệm hiện trường nên nhận định khả năng hung khí gây án là con dao mà bỏ quên chi tiết cái thớt.
Chiều 6/5, phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải gây tranh cãi tiếp tục với phần tranh luận giữa đại diện tòa án, viện kiểm sát (VKS) và điều tra viên.
Khám nghiệm hiện trường và lời khai nhận tội có mâu thuẫn
Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình điều hành phiên xét xử, đề nghị đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao phân tích rõ thêm về 2 nội dung đã nêu trong kháng nghị.
Thứ nhất là mâu thuẫn về thời gian sau khi gây án.
Theo lời khai ban đầu của Hồ Duy Hải, sau khi bị cáo gây án thì về nhà cửa không khóa nên vào ngủ mà không ai biết. Sau đó Hải lại khai là tự lấy chìa khóa mở cửa vào nhà. Trong một bản cung khác, bị cáo Hải lại khai khi về nhà, cửa vẫn còn mở và tự dẫn xe vào nhà, kêu Nguyễn là con dì Út, đóng cửa hộ.
Thứ hai, nội dung kháng nghị nêu ‘có sự mâu thuẫn rất lớn giữa kết quả khám nghiệm hiện trường với lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải’.
Trong hồ sơ vụ án, Hồ Duy Hải có nhiều lời khai về việc đi ra nhà tắm mở vòi nước rửa tay, rửa dao cho sạch máu. Bị cáo cũng có nhiều lời khai về việc đập đầu, mặt chị H. vào lavabo (chậu rửa mặt) nhưng kết quả khám nghiệm không thể hiện các dấu vết ở lavabo.
Thế nhưng, theo biên bản khám nghiệm hiện trường lúc 8h10 ngày 14/1/2008, trên bàn bếp có ly, tô, dĩa đã sử dụng chưa rửa; khu vực nền nhà tắm và lavabo khô ráo, mở vòi nước trên lavabo không có nước chảy.
Tại phiên xử giám đốc thẩm, đại diện VKSND tối cao cho rằng những lời khai này không nhất quán về hành động của bị cáo sau vụ án nên VKS đã kháng nghị làm rõ.
Đại diện VKS đặt câu hỏi với điều tra viên: “Tại sao trong biên bản khám nghiệm hiện trường lại thể hiện không để lại dấu vết trên lavabo?”.
Để trả lời đại diện VKS, điều tra viên Lê Thành Trung lý giải vì bị can Hồ Duy Hải sợ bị mức án cao nên trong giai đoạn đầu của vụ án đã khai thiếu và thừa một số tình tiết để kéo dài thời gian điều tra.
Trong bản cung ngày 7/7/2008 có điều tra viên và kiểm sát viên tham gia, Hải cam kết: “Nếu lời khai hôm nay mâu thuẫn với những lời khai trước thì lời khai hôm nay là lời khai đúng”. Các biên bản này cũng giải trình tất cả mâu thuẫn trong các lời khai khác. Trong bút lục 98, Hải cũng khẳng định mình không đập đầu nạn nhân ở lavabo mà dùng thớt đập đầu ở cầu thang.
Điều tra viên đưa ra dẫn chứng rằng trong bản hỏi cung, Hải khai: “Tôi khai là đập đầu nạn nhân vào nắp lavabo trong nhà vệ sinh nhưng thực tế là đập bằng thớt ở chân cầu thang… Tôi chính là thủ phạm gây ra cái chết cho 2 nạn nhân, nhưng quá trình khai báo, do tư tưởng không ổn định, tôi cố tình khai thiếu hoặc thừa tình tiết để kéo dài thời gian điều tra… “.
Điều tra viên thừa nhận có sơ suất trong quá trình điều tra, khám nghiệm hiện trường
Đại diện VKS tiếp tục chỉ ra những mâu thuẫn giữa các lời khai của Hải về cách thức tấn công nạn nhân: “Căn cứ vào đâu mà kết luận Hải dùng thớt đập vào đầu nạn nhân chứ không phải đập đầu vào lavabo?”. “Có dấu vết ở nắp lavabo hay không?”.
Điều tra viên khẳng định: “Lời khai phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường” khi dẫn chứng bản cung ngày 7/7/2008, bị can khai dùng thớt đập đầu nạn nhân ở chân cầu thang chứ không phải dùng tay đập đầu vào nắp lavabo.
Kết quả khám nghiệm tử thi cũng thể hiện nạn nhân H. vùng đầu có nhiều vết tụ máu, vết rách… chứng tỏ vùng đầu, mặt của nạn nhân đã bị va đập, có vật cứng tác động.
Khi đại diện VKS đặt câu hỏi tại sao không thu được vật chứng cái thớt khi khám nghiệm hiện trường, điều tra viên nói: “Do sơ suất của điều tra viên trong khám nghiệm hiện trường, nhận định của điều tra viên còn hạn chế, chưa xác định rõ dấu vết, nhận định khả năng hung khí gây ra là dao nên trong quá trình khám nghiệm không chú tâm vào hung khí là thớt. Đây là thiếu sót của cơ quan điều tra, xin nhận khuyết điểm này”.
Theo hồ sơ vụ án, Hồ Duy Hải sát hại 2 nhân viên bưu điện bằng ghế, dao, thớt.
Hơn 2 tháng sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra (CQĐT) thu giữ 1 chiếc ghế inox có mã số khác với mã số chiếc ghế trong bản ảnh và khác với mã số ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường.
Hồ sơ thể hiện con dao gây án được một số người dọn dẹp hiện trường vụ án đem đi đốt, sau đó phải ra chợ mua một con dao khác để đưa vào hồ sơ vụ án.
Tương tự, tấm thớt được cho là vật chứng mà Hồ Duy Hải dùng để đập đầu nạn nhân N.T.A.H. cũng không được CQĐT thu giữ khi khám nghiệm hiện trường. Hơn 5 tháng sau, theo yêu cầu của CQĐT, ngày 24/6/2008, bà Lê Thị Thu Hiếu (bạn của 2 nạn nhân) mới đi mua một tấm thớt gỗ khác về nộp cho CQĐT để làm vật mô phỏng. |
Nguồn: Tuổi trẻ
Việt NamLeave a Reply
You must be logged in to post a comment.