Tình hình Covid-19 tại Việt Nam: Toàn quốc ‘cách ly toàn xã hội’ trong 15 ngày

Ảnh: VnExpress

Thủ tướng yêu cầu cách ly toàn xã hội trên toàn quốc, không tập trung quá 2 người nơi công cộng. Lệnh có hiệu lực từ 0h ngày 1/4 và kéo dài trong 15 ngày.

Theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phòng chống Covid-19 ban hành sáng 31/3, cách ly toàn xã hội được thực hiện theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.

Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Advertisements

Ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích thêm, với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, người đứng đầu các đơn vị căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, tự quyết định việc tiếp tục cho người lao động đi làm hay không và chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp Chính phủ đã đề ra; tuy nhiên, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để người lao động làm việc tại nhà.

Theo ông Dũng, “đây chưa phải quyết định phong toả mà là khuyến cáo, yêu cầu của Chính phủ. Nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng thì Chính phủ sẽ có các biện pháp nghiêm ngặt hơn”.

Theo chỉ thị:

Bộ Y tế được giao báo cáo Thủ tướng các phương án, kịch bản và khả năng ứng cứu đối với trường hợp khẩn cấp về dịch vào chiều 31/3.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.

Mọi người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Advertisements

Thủ tướng yêu cầu toàn dân tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình và tham gia các hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng, cộng đồng.

Liên quan đến ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha

Hà Nội và TP HCM phải tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch”; tiếp tục kêu gọi người dân đã qua lại các “ổ dịch” này khai báo y tế và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm.

Bộ Công an phối hợp với ngành y tế lập danh sách những người liên quan đến các hoạt động của công ty Trường Sinh (đơn vị cung cấp dịch vụ cho Bạch Mai) có nguy cơ lây nhiễm để theo dõi y tế, giám sát, cách ly, xử lý nhanh triệt để các nguồn lây dịch bệnh.

Các tỉnh, thành thực hiện cách ly tại gia đình, khai báo y tế để phân loại, xét nghiệm và cách ly tập trung nếu cần thiết đối với người đã qua lại bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3; giao chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ tại từng gia đình.

Với những người đã nhập cảnh từ ngày 8/3 nhưng chưa áp dụng cách ly

Các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra y tế, cập nhật tình hình sức khỏe của họ; lập danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần để phân loại sàng lọc, áp dụng biện pháp cách ly phù hợp (cách ly tập trung, tại nhà, cơ sở lưu trú).

Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà

Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng “cơ bản dừng”

Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương, các tỉnh, thành chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.

Bộ Y tế định kỳ công bố 2 lần/ngày kết quả xét nghiêm dương tính ở các địa phương

Bảo đảm chính xác; đồng thời chỉ đạo các bệnh viện thực hiện quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo; kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê khai y tế bắt buộc đối với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân; mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế.

“Quy định chặt chẽ về tiếp nhận bệnh nhân, không để một cá nhân lây nhiễm làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ bệnh viện”, chỉ thị nêu rõ.

Đến sáng 31/3, Việt Nam ghi nhận 204 ca dương tính nCoV, trong đó 55 người đã khỏi bệnh, số còn lại đang được điều trị tại cơ sở y tế.

Nguồn: VnExpress

Covid-19 News
Click to comment

Leave a Reply

Nguyễn Lê Việt Anh

Nguyễn Lê Việt Anh, là một người năng động và nhiệt huyết, luôn muốn tìm tòi và khám phá nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống.

Related Articles

Leave a Reply