Virus corona: Toàn thế giới nghi ngại về ‘Thành công của Trung Quốc’
Trung Quốc hôm 7/4 lần đầu tiên ghi nhận không xảy ra ca tử vong nào vì đại dịch Covid-19. Tuy vậy, vẫn có những câu hỏi tồn tại về các con số được Trung Quốc đại lục đưa ra.
Vào mỗi 3h sáng (giờ địa phương), Trung Quốc công bố con số mới nhất về virus corona. Tính tới 8/4, nước này ghi nhận 81.802 ca nhiễm Covid-19 và 3.333 người tử vong vì đại dịch này.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, ca ngợi Trung Quốc vì “tốc độ phát hiện dịch” và “cam kết minh bạch”.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những nghi ngờ đáng kể về thống kê chính thức và tuyên bố kiểm soát dịch thành công của nước này.
Tuần trước, chánh văn phòng nội các Anh, ông Michael Gove nói với BBC rằng “một số báo cáo của Trung Quốc không nói rõ về tầm mức, tính chất, độ lây nhiễm của virus”. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ sự nghi ngại khi nói rằng báo cáo về tử vong và lây nhiễm có vẻ “hơi nhẹ nhàng quá”.
Những lo lắng rằng Trung Quốc đang không hoàn toàn nói thật về tầm mức lây lan và các ca tử vong ngày càng thể hiện rõ. Sự nghi ngờ này một phần dựa vào lịch sử, phần khác là vì sự thiếu rõ ràng minh bạch ngay từ đầu đợt dịch.
Lịch sử che giấu dữ liệu
Việc dư luận hồ nghi về tính chân thật của những báo cáo đến từ Trung Quốc không phải là không có cơ sở, khi mà trong lịch sử, quốc gia này có tai tiếng trong việc cung cấp số liệu.
Điển hình là về kinh tế Trung Quốc – chỉ dấu về sự tiến bộ cho đất nước và cho Đảng Cộng sản cầm quyền. Khác với đa số quốc gia, các số liệu GDP hàng quý của Trung Quốc từ lâu bị xem chỉ đáng để tham khảo, chứ không phản ánh chân thật số liệu thực. Một số ước đoán cho rằng tăng trưởng kinh tế thực tế của Trung Quốc chỉ bằng một nửa con số công bố.
Nếu Trung Quốc luôn bị cáo buộc là không thật lòng về một thứ quan trọng như GDP, dễ hiểu vì sao nhiều người nghĩ nước này cũng sẽ làm điều tương tự với đại dịch Covid-19.
Che giấu thông tin trong thời gian đầu
Virus corona bắt đầu xuất hiện và lây lan tại Vũ Hán vào cuối tháng 12/2019. Thế nhưng hiển nhiên là Trung Quốc thực sự đã che giấu sự tồn tại và mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch trong những giai đoạn đầu.
Thị trưởng Vũ Hán sau đó đã thừa nhận rằng có sự thiếu hành động trong thời gian từ đầu tháng 1/2020 – khi có khoảng 100 trường hợp được xác nhận – đến 23/1, là lúc nơi này áp lệnh hạn chế trên toàn thành phố.
Trung Quốc báo cáo về virus corona với WHO vào ngày 31/12. Tuy nhiên, theo tin tức mà báo chí đưa tin vào thời điểm đó, một bác sĩ đã tìm cách cảnh báo các đồng nghiệp về vụ bùng phát một loại virus nguy hiểm, tương tự như virus gây bệnh SARS, và ông đã bị cảnh sát tới “hỏi thăm”.
Bác sĩ Lý Văn Lượng và những người khác nêu tin cảnh báo đều bị bắt phải im lặng. Sau đó không lâu, bác sĩ Lý không may tử vong vì chính bệnh dịch quái ác Covid-19.
Vào khoảng vài tuần trước, khi Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm đầu tiên tới Vũ Hán kể từ khi bùng phát dịch bệnh, đã không hề có ca dương tính mới nào được xác nhận tại Trung Quốc đại lục, trừ ở tỉnh Hồ Bắc.
Tuy nhiên, hãng tin Nhật Kyodo News tường thuật về những quan ngại của một bác sỹ giấu tên trong thành phố, người nói rằng các quan chức ra lệnh cho ông và những người khác phải bỏ các vụ mới ra khỏi các con số chính thức.
Theo các tường thuật gần đây của Bloomberg, một số người trong chính phủ Mỹ cho biết, một báo cáo tin tức tình báo chính thức gửi tới Toà Bạch Ốc kết luận rằng các báo cáo của Trung Quốc là “cố tình chưa hoàn chỉnh” và các con số là “giả”.
Lý do để che giấu vụ bùng phát dịch là gì?
Có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho hành động này: để giấu giếm công chúng về một cuộc khủng hoảng y tế khác đang lơ lửng trên đầu, để ngăn chặn cơn hoảng loạn hoặc có lẽ là để kiểm soát tin tức với hy vọng tình hình sẽ không leo thang và sẽ không bao giờ bị tiết lộ đầy đủ.
Trong ba tháng đầu năm 2020, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã bảy lần đưa ra định nghĩa về Covid-19.
Giáo sư Ben Cowling từ Trường Y tế Công thuộc Đại học Hong Kong nói việc xét nghiệm ban đầu chỉ tập trung vào các ca viêm phổi nặng nhất liên quan tới khu chợ phát dịch ở Vũ Hán. Ông Cowling cho rằng có thể có tới 232.000 ca nhiễm nếu các định nghĩa sau này được dùng ngay từ đầu.
Dù dữ liệu có chính xác hay không, thì cũng phải thừa nhận rằng Trung Quốc có vẻ đã vượt qua thời gian khốn khó nhất của cuộc khủng hoảng, và nhường “phần” cho toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Âu.
Trung Quốc, nước đã sản sinh ra đại dịch toàn cầu này, giờ đây muốn được Thế giới xem họ cũng là quốc gia giúp kết thúc đại dịch.
Nguồn: BCC
Latest Thailand News
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.