Tin Covid-19: Liệu sau 15/4 còn cách ly xã hội?

Theo dự kiến, hôm nay 13/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sẽ có cuộc họp đánh giá về kết quả việc thực hiện cách ly xã hội trong phòng chống dịch Covid-19.

Từ 1/4, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Chỉ thị 16 về “Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19”, toàn quốc thực hiện “cách ly xã hội” trong 15 ngày nhằm phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, ngày hôm nay 13/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cùng Bộ Y tế và các bộ ngành sẽ đưa ra ý kiến và có đề xuất tiếp theo về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có cách ly xã hội sau ngày 15/4 hay không.

Đồng thời, sẽ có phương án cụ thể để nếu tiếp tục thực hiện cách ly xã hội sau 15/4 thì sẽ áp dụng toàn bộ các nội dung đã thực hiện trong các ngày qua, hay chỉnh sửa hoặc sẽ chỉ triển khai một số nội dung đã thực hiện.

Giãn cách xã hội thực sự giúp ngăn chặn dịch lây lan rộng

Theo phân tích của PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), 15 ngày giãn cách xã hội trong công tác ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát không phải là nhiều, có những quốc gia còn thực hiện cả tháng, thậm chí gần như phong tỏa. Tuy nhiên, mỗi nước sẽ áp dụng những biện pháp khác nhau cho phù hợp với tình hình của quốc gia đó.

Ông Phu còn chỉ rõ, Chỉ thị 16 của Thủ tướng được đưa ra rất “kịp thời, hợp lý và rất phù hợp”, Việt Nam đã áp dụng giãn cách xã hội “đúng thời điểm, không bỏ lỡ giai đoạn vàng”.

Tin Covid-19: Liệu sau 15/4 còn cách ly xã hội? | News by Thaiger

Chợ Bến Thành – TP. HCM vắng lặng trong thời điểm cách ly xã hội.

Ông Phu cho biết, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là các biện pháp quyết liệt như “cách ly xã hội” là các yếu tố quyết định góp phần chiến thắng đại dịch này.

Cần tính đến đa mục tiêu

Theo TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam, học giả nghiên cứu Đại học Indiana (Mỹ), mặc dù quan tâm ngăn chặn đại dịch Covid-19 cũng cần phải quan tâm giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội.

Thực tế cho thấy, chính sách giãn cách xã hội phát huy hiệu quả trong việc giảm số ca nhiễm Covid-19. Theo thống kê của Chính phủ, trong tuần đầu tiên cách ly xã hội (từ 1 – 7/4), số ca nhiễm chỉ bằng 42% tuần trước đó; 45/63 tỉnh, thành không có người nhiễm.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh kinh tế, Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả khảo sát nhanh cho thấy 3 tháng đầu năm 2020, có gần 85% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ, 43% phải giảm quy mô lao động do thiếu việc làm…

TS Huỳnh Thế Du phân tích: “Mọi chuyện luôn có sự đánh đổi. Nếu chỉ giảm tối đa ca nhiễm Covid-19 thì đóng cửa, dừng tất cả mọi thứ là hợp lý. Nhưng nếu nhìn rộng ra với đa mục tiêu hơn, cân nhắc được – mất của mỗi lựa chọn, thì vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Rất nhiều người dân phải kiếm sống mỗi ngày ở những lĩnh vực không phục vụ các nhu cầu thiết yếu (như bán vé số, đánh giày, nhặt rác, thậm chí cả bán hoa tươi…).

Thêm vào đó, một nền kinh tế mở như Việt Nam không thể đóng cửa mãi với thế giới. Khi một số nước đối tác lớn qua đỉnh dịch – nhưng khả năng lây nhiễm vẫn còn, rục rịch mở cửa giao thương, thì phương án của Việt Nam là gì? Theo tôi hiểu, mục tiêu của Việt Nam đang là duy trì số ca ít nhất có thể, kéo giãn đỉnh dịch để số ca nhiễm cùng một thời điểm luôn nằm trong sức chịu đựng của hệ thống y tế. Tuy nhiên, cũng cần phải đặt ra câu hỏi ngoài sức chịu đựng của ngành y tế, khả năng chống chịu tối đa của xã hội trước việc cách ly này là bao lâu”.

Ông cũng cho rằng, không có mô hình cụ thể để tính toán sức chịu đựng cho toàn xã hội. Từng ngành, từng địa phương phải ước tính được những rủi ro và giới hạn chịu đựng của mình. Tuy nhiên, điều này phải thực hiện dựa vào những tính toán cụ thể.

“Sở dĩ Việt Nam đạt được kết quả chống dịch như hiện nay là toàn bộ máy hướng tới một mục tiêu duy nhất là chống dịch với hệ thống điều hành thống nhất thông qua các mệnh lệnh hành chính. Đây là điểm mạnh của Việt Nam. Thêm vào đó, nguồn lực được đưa vào chống dịch là các nguồn có sẵn như các khu cách ly, lực lượng tham gia hỗ trợ. Vấn đề đặt ra bây giờ là phải hướng tới đa mục tiêu – ngoài việc chống dịch, trong giai đoạn “bình thường mới” sắp đến. Làm sao để có những hoạt động trong xã hội vẫn được duy trì, đảm bảo nguồn lực hiệu quả nhất nhưng giảm thiểu tối đa rủi ro”, TS Du nhấn mạnh thêm.

Đương nhiên, việc nới rộng để xã hội hoạt động trở lại sẽ là thách thức lớn hơn cho chính quyền so với việc đóng cửa cố thủ. Chỉ mãi phòng ngự không hẳn là một ý hay nếu chúng ta muốn tiến một bước dài và xa.

Nguồn: Thanh niên

Covid-19 News

Thaiger Talk

Join the conversation and have your say on Thailand news published on The Thaiger.

Thaiger Talk is our new Thaiger Community where you can join the discussion on everything happening in Thailand right now.

Please note that articles are not posted to the forum instantly and can take up to 20 min before being visible. Click for more information and the Thaiger Talk Guidelines.

Click to comment

Leave a Reply

Nguyễn Lê Việt Anh

Nguyễn Lê Việt Anh, là một người năng động và nhiệt huyết, luôn muốn tìm tòi và khám phá nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống.

Related Articles

Leave a Reply