Cập nhật tình hình COVID-19 tại Việt Nam (Ngày T5 21/5): Không ghi nhận ca nhiễm nCoV mới, bệnh nhân nặng âm tính
18h ngày 21/5, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV mới. Tổng số ca nhiễm COVID-19 toàn quốc là 324 người, trong số đó, 266 người đã khỏi bệnh, 58 người đang tiếp tục điều trị.
Như vậy, tính đến hết ngày 21/5, Việt Nam ghi nhận:
- Tổng số ca nhiễm: 324
- Số ca khỏi bệnh: 266
- Ca điều trị: 58
- Số ca tử vong: 0
Vậy là tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 21/5, Việt Nam đã trải qua 35 ngày không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong ngày, có thêm 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, bao gồm bệnh nhân 188 (bệnh nhân dương tính lại) và bệnh nhân 261.
Số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi là 266/324 người (chiếm hơn 80%). 58 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị tại 6 cơ sở y tế, đa số sức khỏe bệnh nhân ổn định. Trong đó có 4 ca xét nghiệm âm tính lần một và 4 ca âm tính hai lần.
Đồ họa: Dân trí.
Các bệnh nhân đa phần trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Đặc biệt, đến nay các trường hợp mắc Covid-19 nặng, nguy kịch đều đã âm tính với nCoV.
BN91 (phi công người Anh) hiện là bệnh nhân nặng nhất, đang có những tín hiệu tích cực. Từ chỗ 90% phổi đông đặc, hiện nay theo đánh giá, phổi bệnh nhân đã hồi phục 20-30%. Bệnh nhân cũng đã có 6 lần xét nghiệm liên tiếp âm tính với nCoV, cho thấy bệnh nhân đã khỏi Covid-19.
Bệnh nhân 91 trải qua quá trình điều trị dài nhất: 2 tháng 3 ngày với hơn 40 ngày liên tiếp phải thực hiện kỹ thuật ECMO, với nhiều lần diễn biến nguy kịch. Hiện bệnh nhân này sẽ được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị hồi sức tích cực, điều trị bệnh lý nền, kiểm soát nhiễm khuẩn tiến tới ghép phổi.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị Covid-19 khẳng định: “Đến sáng 21/5, tất cả các bệnh nhân nặng Covid-19 tại Việt Nam đã được chữa khỏi Covid-19”.
Cả nước hiện có 12.987 người đang được cách ly tại các bệnh viện, các cơ sở tập trung và tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Các chuyên gia y tế nhận định dịch còn phức tạp, lâu dài, có thể kéo dài mãi như cúm hay HIV. Covid-19 có thể kéo dài một đến hai năm nữa, không thể chấm dứt hẳn như dịch SARS được.
Dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, vì thế Việt Nam tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để đảm bảo an toàn. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.
Người dân được khuyến cáo tuân thủ các biện pháp phòng dịch như: đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người, hạn chế đi lại không cần thiết, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt hàng ngày.
COVID-19 tại Việt Nam | |||
Địa phương khởi bệnh | Số ca (324) | Khỏi bệnh (266) | Tử vong (0) |
Hà Nội | 114 | 111 | |
TP. Hồ Chí Minh | 58 | 54 | |
Thái Bình | 29 | 2 | |
Bạc Liêu | 21 | 3 | |
Vĩnh Phúc | 19 | 19 | |
Ninh Bình | 13 | 13 | |
Bình Thuận | 9 | 9 | |
Quảng Ninh | 8 | 5 | |
Đà Nẵng | 6 | 6 | |
Đồng Tháp | 5 | 4 | |
Bắc Giang | 4 | 4 | |
Hà Nam | 4 | 4 | |
Hà Tĩnh | 4 | 4 | |
Tây Ninh | 4 | 3 | |
Quảng Nam | 3 | 3 | |
Thanh Hóa | 3 | 3 | |
Cần Thơ | 2 | 2 | |
Hải Dương | 2 | 2 | |
Lào Cai | 2 | 2 | |
Ninh Thuận | 2 | 2 | |
Thừa Thiên – Huế | 2 | 2 | |
Trà Vinh | 2 | 1 | |
Bắc Ninh | 1 | 1 | |
Bến Tre | 1 | 1 | |
Đồng Nai | 1 | 1 | |
Hà Giang | 1 | 1 | |
Hưng Yên | 1 | 1 | |
Khánh Hòa | 1 | 1 | |
Lai Châu | 1 | 1 | |
Thái Nguyên | 1 | 1 |
Nguồn: Dân trí
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.