Khai báo gian dối và trốn cách ly dịch bệnh bị xử lý ra sao?
Trong diễn biến phức tạp của virus corona, người đến từ vùng có dịch, biểu hiện nhiễm bệnh phải đến nơi cách ly, thăm khám y tế để kiểm tra.
Tối hôm qua (6/3), UBND TP Hà Nội họp khẩn về ca bệnh mắc Covid-19 thứ 17 là N.H.N., 26 tuổi, hiện là quản lý khách sạn, sống tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.
Ngày 15/2, chị N. thăm người nhà tại London, Anh, xuất cảnh tại sân bay Nội Bài và nhập cảnh vào London ngày 16/2.
Ngày 18/2 từ London sang Italia (vùng Lombardy) để du lịch. Khu vực này đang là ổ dịch tại Ý, nhưng chị N. có mặt tại đây lúc dịch chưa bùng phát.
Ngày 20/2, chị N về London và sang Pari, Pháp du lịch vào ngày 25/2. Tại đây chị N. có gặp chị gái. Đến ngày 26/ 2, bệnh nhân về lại London.
Ngày 29/2 bệnh nhân có biểu hiện ho nhưng không đi khám. Ngày 1/3, thì xuất hiện thêm triệu chứng đau mỏi người, không rõ sốt. Bệnh nhân đã quay về Việt Nam trên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN0054. Máy bay hạ cách lúc 4h30, ngày 2/3. Lúc này bệnh nhân không sốt.
Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, bệnh nhân về nhà riêng tại phố Trúc Bạch bằng xe gia đình. Ngày 2/3, bệnh nhân sốt nhẹ. Đến ngày 5/3, chị sốt 38 độ, ho nhiều, có đờm, mệt mỏi mới đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc ở phố Yên Ninh, Ba Đình và được chẩn đoán viêm phổi.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung theo dõi điều trị vào 18h ngày 5/3. Đến 21h30 ngày 6/3 có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Lực lượng chức năng lập rào chắn đoạn phố từ Trúc Bạch đến Châu Long
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra, người có biểu hiện mắc bệnh nhưng che giấu, không khai báo trở thành người gieo rắc dịch bệnh sẽ bị xử lý ra sao trước pháp luật, PV Dân trí trao đổi với luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật TNHH NXS (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Lực cho biết: “Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.
Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch nhóm A phải được cách ly. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
Chính phủ, Bộ y tế thời gian vừa qua đã liên tục đưa ra các khuyến nghị yêu cầu các cá nhân có nghi ngờ nhiễm bệnh, đi đến từ vùng dịch phải chủ động cách ly y tế.
Luật sư Quách Thành Lực.
Do vậy người nào khi đi đến từ vùng có dịch, có biểu hiện nhiễm bệnh mà lại không chủ động đến nơi cách ly, không thăm khám y tế để kiểm tra phát hiện mà dẫn tới tình trạng lây lan dịch bệnh trên diện rộng dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì có dấu hiệu phạm tội theo điều 240 Bộ luật hình sự: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với hình phạt phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.
Mọi người cần nâng cao ý thức cộng đồng, hợp tác xã hội để góp phần hạn chế, đẩy lùi dịch bệnh. Chỉ cần một hành động sai trái của một cá nhân có thể khiến dịch bệnh bùng phát khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy lớn cho xã hội”.
Xin cảm ơn luật sư!
Nguồn: dantri
Latest Thailand News
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.